Bí mật chưa có lời giải của một ngôi Chùa Khmer ở Trà Vinh | Chùa Sambua - Phú Quang
Bí mật chưa có lời giải của một ngôi Chùa Khmer ở Trà Vinh | Chùa Sambua - Phú Quang
Chùa Sambua tọa lạc tại ấp Trà Khao, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà
Vinh; được xây dựng vào năm 373 SCN, là một trong số ngôi chùa Khmer
cổ xưa nhất tỉnh Trà Vinh, được xây dựng trước cả chùa Âng nổi
tiếng ở ao Bà Om (thành phố Trà Vinh).
Ban đầu, chùa có tên gọi Samborransi, nghĩa là Phú Quang. Về sau, do
người dân đọc chệch từ Sambo thành Sambua và vì quen miệng nên
chùa được gọi là Chùa Sambua cho đến ngày nay.
Chánh điện chùa Sambua được trùng tu lại từ năm 1998 - Sang Suphat
Chùa được xây dựng trên một khuôn viên rộng khoảng 42.000 m². Cũng như
các ngôi chùa Khmer khác, chùa Sambua được xây dựng theo kiểu Khmer
truyền thống. Và dù đã trãi 4 lần đại tu, nhà chùa vẫn giữ
nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu với những mái ngói cong vút lên trời,
những con rồng Naga nằm dài trên hai lớp mái nhọn, những vị thần Krud
và các thiên thần Keynor dang tay nâng đỡ mái hiên đồ sộ.
Tòa chính điện cao 29m, ngang 13m và dài 26m, tuy không quá hoành
tráng như những ngôi chùa Khmer khác nhưng chính điện chùa Sambua
có đến 12 hàng cột ở trong và 14 cửa sổ xung quanh, khi bước chân vào
quỳ dưới chân kim thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ta sẽ cảm giác mát
rượi, thư thái và trang nghiêm đến lạ.
Tượng 2 con rồng Naga khổng lồ trong khuôn viên chùa - Sang Suphat
Ngoài chính điện là điểm nhấn chính, chùa còn có tăng sá, học đường,
thiền đường, và nhà khách...mỗi công trình đều khoác trên mình một
nét đẹp cổ kính. Trong khuôn viên rộng lớn của chùa còn rải rác những
ngôi mộ tháp (Prasat Chetei) với tượng thần Brahman bốn mặt trên đỉnh,
đây là nơi cất giữ hài cốt, có mộ tháp của các vị trụ trì
đã viên tịch, mộ tháp của các vị sư và mộ tháp của các Phật
tử bổn sóc đã qua đời.
Ảnh: Bên trong cổng chính chùa Sambua - Sang Suphat |
Ảnh: Tượng Đức Phạm Thiên và Brahma hộ tống Đức Phật trở về từ cõi trời - Sang Suphat
Theo các nguồn tin từ báo chí thì hiện nay chùa Sambua còn cất giữ hai
“bí mật” chưa có lời giải. Thứ nhất là chiếc bia bằng đá xanh, mà nhiều
người phỏng đoán (có lẻ)
nó có vào khoảng đầu công nguyên, được phát hiện chôn dưới cầu
thang chính
điện vào năm 1998 trong đợt đại tu chùa gần đây nhất. Bia đá này dài
khoảng 1,7m, ngang khoảng 4,8cm, có độ dày khoảng 0,9cm và nặng
khoảng nữa tấn. Hai đầu bia có 2 mấu dài khoảng 10cm. Mặt chính của bia
đá có khắc hàng chữ Sanskrit với nội dung là "Do nhờ ánh sáng phát ra
từ một nghìn cái miệng của Chúa Rồng (Naga) đến quét sạch chất nhơ". Căn
cứ vào nội dung của bia đá này thì Một nghìn vị Chúa Rồng đã đến tỏa
ánh sáng để quét sạch chất nhơ, bảo vệ toàn bộ Phật tử sống trong khu
vưc này, thế nên chùa mới có tên là Chùa Samborransi tức là Phú Quang.
Trước đó, năm 1980, chùa phát hiện một bức tượng Phật bằng đất sét cao
khoảng 0,6m, được điêu khắc theo phong cách Khmer vẫn chưa có được
giải mã. Hiện nay, nhà chùa đã cho sơn son thếp vàng rồi cất kỹ trong
một căn phòng đặc biệt với luật lệ nghiêm ngặt không ai tiếp cận
được nhằm bảo quản tốt tượng cổ.
Thông tin bởi: Khổng Seyla
Hình ảnh: Sang Suphat
Theo TRAVINHNET
0 nhận xét:
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.